Nhạc sĩ -Trần Tiến.
Trần Tiến sinh ngày 16 tháng 5 năm 1947, Trên một miền đồi gần sông Đáy ở vùng Sơn Tây, Hà Tây,
Như một định mệnh không thể không nhận lấy, Trần Tiến bị buộc vào âm nhạc từ khi còn rất trẻ, cho dù lý trí muốn ông trở thành một nhà khoa học. Suốt tuổi thơ nghèo khổ ở quê nhà và tuổi trẻ gian nan ở chiến trường, ông nếm đủ mùi vị cuộc đời, chủ yếu là mùi mồ hôi và máu, nên việc viết và việc hát lên giống như liều thuốc xoa dịu tâm hồn. Ông nói: "Tôi không yêu âm nhạc nhiều đến mức như mọi người nghĩ đâu. Tôi viết xong là quên, chả buồn nhớ đến". Đối với Trần Tiến, viết chỉ là để giải phóng những năng lượng, những nghĩ suy dồn ứ trong tâm trạng của mình. Như một cuộc tự đối thoại, có thể chẳng cần ai biết tới. Nên ông có phần xa lạ với đời sống âm nhạc đậm mùi thị trường hôm nay.(Quê nhà- Trần Tiến)
Không ít người làm âm nhạc đang tìm mọi cách để xiêm áo thật lộng lẫy cho mình, để tên tuổi được hot, để được nhiều khán giả chú ý, để bán những sản phẩm mình làm ra cho thật đắt. Và giá trị của người nghệ sĩ giờ đây, đôi khi được đánh giá bằng số tiền cát-xê họ nhận được, ngôi nhà họ ở hay chiếc xe họ lái, chứ không phải bằng những gì họ thực sự đóng góp cho nhân dân, cho xã hội. Trần Tiến không bình luận gì, ông chỉ lặng lẽ lánh xa cái đời sống lấp lánh ấy. "Thời của tôi, âm nhạc gần với cái chết, với mất mát đau thương, chứ không phải gần với tiền. Tôi không có khái niệm về âm nhạc giải trí". Thời của Trần Tiến là gì? Là ôm đàn hát trên các chiến hào. Là sáng tác nhạc dưới gầm đại bác. Là cùng với các đồng nghiệp của mình "du ca" trên khắp các nẻo đường của dải đất hình chữ S, hát cho một chú bé con đang dòm qua khe cửa ngôi trường học nghèo, những người thương binh đang chống chọi với cơn đau trong trại điều dưỡng, hay những người nông dân cày cấy trên đồng ruộng. Ông chỉ viết nhạc cho những người bình dân - những người không bao giờ có tiền triệu để mua vé vào xem biểu diễn ở Nhà hát Lớn, trong những bộ quần áo đẹp xúng xính. Ông viết cho những phận người lấm lem, để yêu thương và an ủi họ.(NS Trần Tiến cùng NSND Trần Hiếu ca sĩ Trần Thu Hà)
Không chỉ vì ông đã là nghệ sĩ nổi tiếng mấy chục năm nay, đã có quá nhiều bài báo hay về ông mà còn bởi con người ông, tính cách của ông thật đặc biệt. Nếu không đủ tầm sẽ khó có thể chạm đến để phản ảnh được nét hồn nhiên mà tinh tế, dí dỏm mà sâu xa trong tâm hồn lãng tử của một kẻ du ca. Làm nhạc sĩ, ca sĩ gần nửa thế kỉ, ông vẫn “buông lơi” câu nói: “Tôi không yêu âm nhạc như người ta tưởng đâu. Tôi yêu khoa học hơn. Nhưng cuộc đời là số mệnh, là những đưa đẩy. Nếu ngày đó đi theo khoa học thì bây giờ có lẽ chẳng ai biết Trần Tiến là ông nào. Số mệnh của tôi là cầm bút viết nhạc nên không thể làm gì khác hơn”. Trần Tiến đã sống hẳn ở Sài Gòn gần 30 năm nay. Nhưng với ông, cảm giác về Hà Nội vẫn luôn là cảm giác của đứa con đi xa trở về nhà, thân thuộc và đau đáu bởi những kỉ niệm vui buồn, những tháng ngày “khốn nạn” như ông vẫn thường nói. Hết cái thời làm việc để kiếm tiền và chán với những thứ xô bồ, ồn ã, Trần Tiến tìm đến với một nơi hoàn toàn hoang sơ. Ngôi nhà mới của “kẻ du ca” nằm lặng lẽ và bình yên trên bờ biển Vũng Tàu, một thành phố thưa thớt, vắng vẻ nhưng tràn ngập nắng, gió và vị mặn mòi của biển. Trần Tiến tự ví mình như ông già trên biển cả suốt ngày làm bạn với cá, tôm, mực. “Con người cần phải gần gũi với thiên nhiên vạn vật. Gần chúng, nói chuyện với chúng là chúng hiểu đấy. Có lần đang câu cá tôi ngẫu hứng hát lên một ca khúc, thế là thấy cá, mực đến mỗi lúc một nhiều thêm.(NS Trần Tiến cùng ca sĩ Trần Thu Hà)
Trần Tiến vẫn có kiểu nói chuyện dí dỏm như vậy. Nhưng tuyệt đối ông không nói sai điều gì bao giờ. Câu chuyện của ông luôn mang đến cho người đối diện tiếng cười sảng khoái. Ở biển lâu ngày nên gương mặt ông sạm đi trông thấy. Riêng đôi mắt và nụ cười của ông thì vẫn tinh anh và tươi tắn. Chúng phản ảnh chân thực về một con người hiền hoà, nhân hậu, lạc quan. “Tôi sống ở biển quen rồi, bây giờ có việc phải về Sài Gòn, Hà Nội là khó chịu lắm. Tôi có một mỏm đá giữa biển. Ở đó tôi viết Ngũ sắc biển, Sen hồng hư không, và biên thư cho vài người bạn nữa. Chỉ là lấy cái cớ biên thư để mình khơi gợi ngẫu hứng í mà. Không có cớ thì không viết nổi”. Hỏi ông về những cô đơn khi một mình giữa biển, Trần Tiến tếu táo với giọng nói ồm ồm, đặc trưng: “Cô đơn mà vẫn viết được nhạc hay thì mình còn muốn cô đơn dài dài. Giữa bốn bề gió lộng, trải tâm hồn mình ra là có nắng biển xôn xao. Có nhiều câu hỏi về việc, vì sao Trần Tiến chia xa Hà Nội và xa đến lâu thế, gần 30 năm. Ông trầm ngâm hơn trước điều này. “Đó cũng là định mệnh. Tôi gần như bị đuổi khỏi cái thành phố này. Ngày đó, tôi mặc quần ga, để râu, viết Vết chân tròn trên cát, Mùa xuân gọi, Giai điệu tổ quốc, Những đôi mắt hình viên đạn… đều bị cho là phản động. Cơ quan tôi lúc đó là truyền hình, rất nhạy cảm cho nên tôi gần như buộc phải thôi việc. Nhưng may mắn cho tôi, âm nhạc của tôi lại được sự yêu thích của cố thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ông viết trên báo Nhân dân rằng: “Tôi yêu những bài hát của Trần Tiến. Yêu những ca khúc yêu nước như thế. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn biết được, phím lời “vậy thì mời Trần Tiến vào đây đi”. “ Thế hả, mời được hả?”. “Anh cứ viết một lá thư, tôi sẽ nhờ người gửi đến Tiến”. Thế là thành duyên nợ với đất Sài Gòn.(Nhạc sĩ Trần Tiến cùng Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý)
Trần Tiến không nhắc nhiều đến âm nhạc của mình. Ông cho rằng, không có gì là bất tử, cũng không có những tình khúc vượt thời gian như người ta vẫn nói. Cái gì rồi cũng cũ đi để nhường cho cái mới. Ông hay nhớ về kỉ niệm nhưng bài hát viết xong có khi để đâu lại chẳng nhớ. Hà Trần đã từng giận ông vì “bài hát chú Tiến tặng từng nằm ngủ ở trong sọt rác mấy tháng trời. “Quê nhà” cũng đã từng nằm lặng lẽ trong mớ giấy lộn nơi góc tủ nhà ông một thời gian rất lâu cho đến một ngày Tùng Dương tìm đến và cất cánh cho nó. Nếu không có cơ duyên ấy, mấy ai biết được có một nỗi nhớ Quê nhà da diết, xót xa đến vậy. Trần Tiến quan niệm viết nhạc là cho chính mình, viết xong nghĩa là kết thúc. “Còn số phận của nó sẽ đi đâu, đến với ai, tôi không quan trọng và bận tâm. Kể cả những Mozart, Beethoven hay Bettle rồi cũng dần trôi vào quên lãng”. Vũ Quỳnh Trang. Bích Đào