Đường lên Tây Bắc - Văn An.
“Đường lên Tây Bắc xa xôi, nếp nhà sàn thấp thoáng…”
Tây Bắc là vùng miền núi phía Tây của miền Bắc nước ta, có chung đường biên giới với Lào và Trung Quốc, là một trong 3 vùng của Bắc Bộ Việt Nam: Tây Bắc, Đông Bắc và Đồng bằng Bắc Bộ. Không gian địa lý của vùng Tây Bắc hiện còn chưa được nhất trí. Một số ý kiến cho rằng đây là vùng núi của hữu ngạn sông Hồng. Một số ý kiến khác lại cho rằng đây là vùng phía Nam của dãy núi Hoàng Liên Sơn. Còn trong tiềm thức mỗi chúng ta, Tây Bắc là xứ sở của hoa ban, của điệu múa xòe hoa và không gian văn hóa dân tộc Thái. Ai qua miền Tây Bắc hẳn là khó quên hình ảnh những cô gái Thái có làn da trắng mịn bên bờ suối hay trong những bộ váy áo rực rỡ vào hội xuân… Vùng Tây Bắc có vị trí chiến lược trong an ninh quốc phòng. Trong thời kỳ kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp, nơi đây đã diễn ra nhiều trận đánh và chiến dịch quy mô mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ. Tây Bắc nổi tiếng với nhiều ca khúc cách mạng hay… Ngay từ tác phẩm đầu tiên trong sự nghiệp sáng tác của mình, nhạc sĩ Văn An đã gặt hái thành công. Ca khúc Đường lên Tây Bắc ra đời khi ông vừa tròn 20 tuổi và đang tham gia chiến dịch Tây Bắc đã có sức lan tỏa mạnh mẽ. Ông từng tâm sự, trong một chiều hành quân, từ trên triền đồi nhìn xuống, ông bắt gặp một bức tranh sơn thủy hữu tình, hình ảnh nhân dân tăng gia sản xuất bên các chiến sĩ và dân quân.(Hành quân lên Tây Bắc-An Thuyên)
Lên Tây Bắc những ngày Xuân, đến bản làng của người Mường, người Thái, người Mông, người Tày, Nùng, Dao… ở Sơn La, Điện Biên, Hòa Bình, Lai Châu, Yên Bái… đâu đâu cũng rộn ràng lời ca, âm vang tiếng cồng chiêng, nhịp trống, khắp nẻo hoa đua sắc, cây trái nảy lộc đâm chồi.(Hồng Bài) Càng đi lên phía Điện Biên, hoa ban càng nhiều. Hoa ban không chỉ nở men theo dòng suối, mà còn nở bung trên những triền núi. Có khi, đơn độc một cây ban lặng lẽ nở hoa. Nhưng cũng có khi trước mắt chúng tôi hiện ra miên man cả một rặng hoa ban, làm cho những triền núi đá khô cằn bỗng như mềm mại hẳn. Hoa ban dọc đường lên Tây Bắc chủ yếu màu trắng, ban tím thì vô cùng hiếm. Có lẽ, giờ chúng chỉ còn tồn tại trong những cánh rừng khuất nẻo mà thôi. Nó là loài hòa kỳ diệu gắn bó mật thiết giữa thiên nhiên với đời sống con người… Nó là món ăn ngon (hoa ngọt), là hình tượng thơ tượng trưng cho những ước mơ, tâm hồn trẻ trung (mùa xuân) tính cách cao đẹp, mối tình thủy chung của con người. Tết xong: Hoa đào đỏ, hoa mơ, hoa mận nở trắng các lối đi khắp các bản mường, và gió lào ù ù bốc lửa, trời hanh khô đến khó chịu - ngày 4 mùa: Sớm xuân, trưa hè, chiều thu, đêm đông, đang mùa đốt nương, khát khao cháy bỏng trời đất và lòng người thì đột nhiên qua một đêm tất cả các cánh rừng đều trắng ngát hoa Ban - Toàn bộ cây là hoa (lá mới nhú) cây đơm hoa, mát thơm dịu ngọt…